Cấu trúc của một nền kinh tế y tế

Mình không phải là nhà kinh tế, chỉ là giật cái title cho oai. Nhưng có một câu hỏi đã đặt ra nhiều năm, kể từ khi hành nghề y: “Bác sĩ kiếm tiền cách nào?”

Đã rất nhiều năm trôi qua, kể từ cái thời điểm định mệnh, viết đăng kí vào chuyên khoa Y học cổ truyền trong 2 năm cuối ở Đại học Y Hà Nội. Mình hình dung câu trả lời đi theo một mô hình có sẵn của các thày cô thời đó là mở phòng khám. Các thày cô không thu tiền khám, nhưng sau đó bán thuốc luôn cho người bệnh. Người thày thuốc thật sự chỉ “cứu người”, không màng đến vật chất. Nhưng vẫn có tiền.

Khi ra trường, mình có một thời gian ngắn đi làm trình dược viên, như xu thế ngày đó, sẽ có tiền ngay. Chứ xin về bệnh viện ở Hà Nội, làm không lương không biết đến bao giờ, vì hồi đó không có dạng hợp đồng như bây giờ, còn chương trình tinh giảm biên chế thì vẫn đang tiếp diễn, cho dù không còn sôi động như những năm đầu thập kỉ 90. Nhưng cho tới tận bây giờ, mình mới hiểu rõ, vì sao mình không thể theo công việc đó được, mà sau khi lấy chồng, thì quay về bệnh viện, bắt đầu kiếp “không lương”. Âu cũng là cái số.

Cũng may là mất có 3 năm không lương thôi. 2001 mình có biên chế, nhờ vào việc 1 bác sĩ đàn anh bỏ việc, sang Nga làm xuất khẩu lao động (sau anh ấy phải bỏ chạy về nước, nhưng đã mất chỗ làm, rồi dính vào vòng lao lý do làm giấy tờ giả. Thật tiếc cho một bác sĩ có kinh nghiệm- nhưng lại là may mắn cho mình). Khoảng 2002 thì mình dứt áo đi học, vì đi học nhàn hơn, còn lo được việc nhà. Vả lại câu hỏi vẫn chưa được trả lời, cho dù kinh qua những môi trường khác nhau như vậy. Mình nghĩ, hay do mình dốt, bởi xung quanh, các bác sĩ bán thuốc và kiếm tiền nhiều khủng khiếp, cho dù công khai như trình dược viên, hay bán công khai như bác sĩ kê đơn (được trả hoa hồng luôn) hoặc như các bác sĩ y học cổ truyền, không công khai tí nào. Sau đó, có một lần, mẹ mình than phiền về một bác sĩ khá có tiếng tăm mà mình biết, vì có quan hệ họ hàng thông gia. Chuyện là vị bác sĩ đó cũng bán thuốc cho bệnh nhân, là họ hàng với nhà mình, với giá cao hơn hiệu thuốc. Câu hỏi đặt ra với bản thân đã khá lâu, đột nhiên xuất hiện với hình thức khác, trực tiếp và với những người ngoài ngành. Mình đã hỏi bà, thế “bác ý có thu tiền khám không?”. Câu trả lời là không. Mình hỏi lại bà “thế theo mẹ, bác ấy sẽ sống ra sao?”. Và với bản thân, lúc đó câu trả lời bắt đầu hiện ra rõ ràng. Các bác sĩ, không chỉ là y học cổ truyền, đều phải bán thuốc mới có tiền.

Sau này, các bác sĩ còn phải “bán xét nghiệm” thì mới có tiền. Hoặc các bác sĩ phải “bán” thiết bị, vật tư y tế trong thủ thuật, phẫu thuật… Rồi các bác sĩ phải “bán liệu trình”… Thậm chí, những điều trị bằng sức người, phải trực tiếp làm, còn rẻ hơn những điều trị có chứa các yếu tố vật chất cụ thể như thuốc, dụng cụ, máy móc… vì trong những năm qua, thị trường làm giá cho những thứ này rõ ràng hơn, sôi động hơn, dễ tính tiền và quan trọng nhất, dễ được công nhận. Đến mức mà các bác sĩ còn bán thuốc y học hiện đại đã được bóc hết tem mác, đóng vào túi nilon với các ghi chú viết tay.

Công khám, hoặc không có, hoặc được tính rất thấp, và lâu dần, trong nền kinh tế y tế, nó gần như bằng zero. Mà đúng ra, các bác sĩ cần phải có số tiền này để sống, công khai, chính trực. Trong nghiên cứu khoa học cũng thế, công sức người làm nghiên cứu cũng bị coi bằng zero. Chả thế mà các dự án y tế trong những năm qua, phần đầu tư cho con người cũng rất ít, làm một cách hình thức, hoặc chắp vá trên những cái có sẵn. Các đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất thì dễ được phê duyệt hơn nhiều.

Sau nhiều năm, trót bước chân sang trái với đam mê về tâm lý học, mới lại thấy lời thày Hòe (thày Đinh Đăng Hòe- nguyên trưởng khoa Khám bệnh- Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia) dạy năm xưa: “cô sẽ không kiếm được tiền trong 20-30 năm tới”, là chính xác.

Với bệnh nhân, các tham vấn, tư vấn là “miễn phí”, mà mình thì chả có cái gì bán kèm theo…

Đăng bởi anhdo73

Hoạt động can thiệp đa ngành: Tâm lý lâm sàng, Tâm thần, Phục hồi chức năng, Y học cổ truyền

One thought on “Cấu trúc của một nền kinh tế y tế

Bình luận về bài viết này